Đau đầu - thuốc giảm đau không phải là giải pháp

Bạn bị stress vì công việc và ngủ không đủ giấc đêm qua, kết quả là bạn đã bị một cơn đau đầu kinh khủng. Vậy thì bạn sẽ làm gì?
Chẳng có gì khó, chỉ cần một viên Panadol hoặc Tylenol thì xem ra cũng cải thiện được tình hình, cơn nhức đầu biến mất, cuộc sống lại tràn đầy màu sắc.
Ngày hôm sau, khi thức dậy, bỗng dưng bạn lại cảm thấy đau đầu, lần này cơn đau không dữ dội như hôm qua nhưng cứ tái đi tái lại. Cũng lại giở trò cũ, thuốc đã mua sẵn ngày hôm qua rồi, tội gì không uống để ngăn chặn cơn đau trước khi chúng càng trở nên “tàn nhẫn”.
Thế nhưng sự đời đâu có dễ ăn như ta tưởng. Khi bạn làm điều đó có nghĩa là bạn đã “hãm tài” những “receptor đau” vốn có nhiệm vụ “đưa tin” giữa các tế bào não. Điều này cũng có nghĩa là cơn đau đầu của bạn vẫn “ăn dầm nằm dề” ở đó, nhưng vì não đã bị “cắt liên lạc” cho nên làm cho bạn không còn cảm thấy đau. Cũng có nghĩa là thay vì tìm ra nguyên nhân gây đau đầu để mà trị, bạn chỉ trị triệu chứng đau đầu.
 Nhiều loại thuốc giảm đau không tốt cho cơ thể
Thêm vào đó, Tylenol hoặc Panadol (tên biệt dược của paracetamol) không hiền như ta tưởng. Một thống kê từ Úc cho thấy khi sử dụng paracetamol chỉ có 16% người dùng chịu đọc kỹ nhãn thuốc; khoảng 44% đã đọc nhãn thuốc và biết rằng mình đang sử dụng quá liều được đề nghị nhưng vẫn chấp nhận dùng để “ăn thua đủ” với cơn đau.
Nếu bạn bị dính đau đầu hơn 2 lần trong một ngày thì đúng là bạn đã có vấn đề. Sử dụng thuốc giảm đau bừa bãi chỉ càng có cơ hội bị dính theo hiệu ứng hồi ngược (rebound) và càng làm cho cơn đau đầu càng không còn lối thoát. Khi bạn sử dụng cùng một loại thuốc giảm đau trong một thời gian dài thì cơ thể bạn sẽ bị nghiện thuốc. Điều gì sẽ xảy ra khi một loại thuốc giảm đau bị “phế võ công”? Bạn sẽ bị cơn đau đầu hành hạ bạn một cách dã man hơn và càng làm cho bạn muốn uống thêm nhiều thuốc hơn và càng nhiều thuốc hơn nữa tạo thành cái vòng luẩn quẩn.
Không phải nói ra những điều này nhằm thuyết phục bạn đừng có rớ vào mấy loại thuốc giảm đau. Không thể phủ nhận công lao của chúng, tuy nhiên đừng để chúng biến thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống thường ngày của bạn. Có một điều nếu nói ra tưởng là dư thừa: luôn luôn đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Nhiều loại thuốc tuy rằng dùng khác mục đích nhưng lại có chung thành phần hoạt chất. Vì vậy, nếu dùng những loại thuốc này cùng một lúc sẽ càng làm tăng hàm lượng các thành phần hoạt chất giống nhau có mặt ở 2 thuốc khác nhau và sẽ càng làm tăng thêm độc tính. Một ví dụ rõ nhất là Tylenol trị đau đầu có chứa paracetamol, một số loại thuốc trị cảm cúm khác cũng có chứa paracetamol, nếu sử dụng 2 loại thuốc này cùng một lúc, sự quá liều paracetamol rất có thể xảy ra. Nếu chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn uống thất thường, mượn rượu giải sầu... thì càng làm tăng khả năng công phá lá gan mong manh của bạn. Điều “khó chịu” nhất là khi lá gan bị công phá ở giai đoạn sớm, những triệu chứng gặp phải rất giống cúm và làm cho bạn càng sử dụng thêm thuốc trị cúm và càng làm cho lá gan “oải chè đậu” hơn.
Nếu bạn bị hiệu ứng đau đầu hồi ngược khi sử dụng các loại thuốc giảm đau, điều duy nhất bạn có thể làm để xoay chuyển tình thế là... ngưng ngay tất cả các loại thuốc giảm đau và thay thế bằng những liệu pháp tự nhiên khác. Những liệu pháp tự nhiên này đã được dùng từ lâu đời và đôi lúc còn nhanh hơn và hiệu quả hơn so với các loại thuốc giảm đau. Những liệu pháp này bao gồm thủy liệu pháp (hydrotherapy), hương liệu pháp (aromatherapy), châm cứu, massage, yoga... Trị những cơn đau đầu đúng phương pháp sẽ làm bạn tiết kiệm tiền bạc chi tiêu vào những loại thuốc giảm đau vốn hay gây... “nhức đầu” cho túi tiền của bạn.
DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG
(Khoa Dược - ĐH Murdoch - Úc)

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 Bình luận: